Ngày 14/9/2012, RIPE NCC, tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Âu và Trung Đông thông báo đã chính thức hết IPv4 để cấp theo chính sách thông thường và chuyển sang chính sách cấp phát hạn chế IPv4 từ khối /8 cuối cùng. Như vậy, sau Châu Á – Thái Bình Dương (do APNIC phụ trách), Châu Âu và Trung Đông là khu vực thứ hai trong số 5 khu vực trên toàn cầu đã bước sang giai đoạn cạn kiệt IPv4.
Tương tự chính sách của APNIC, trong giai đoạn cạn kiệt IPv4, RIPE NCC chỉ cấp tối đa 01 /22 cho các yêu cầu xin cấp IPv4 và mỗi tổ chức trong khu vực chỉ được xin 01 lần địa chỉ IPv4 từ khối /8 cuối cùng để phục vụ cho chuyển đổi sang IPv6. Tuy nhiên, chính sách cấp phát IPv4 của RIPENCC chặt chẽ hơn khu vực APNIC khi đưa ra yêu cầu để được cấp một vùng địa chỉ /22 IPv4 theo chính sách cấp phát hạn chế từ khối /8 cuối cùng, các ISP hoặc tổ chức mạng nộp đơn phải thỏa mãn điều kiện đã được cấp IPv6 từ RIPE NCC hoặc chứng minh đã được cấp khối địa chỉ IPv6 từ một ISP cấp trên.
Sự kiện 02 khu vực có hạ tầng công nghệ thông tin và Internet phát triển nhất trên toàn cầu đã cạn kiệt IPv4 cho thấy tính cấp bách trong triển khai IPv6 trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và IPv6 là giải pháp duy nhất đảm bảo sự phát triển lâu dài và ổn định của Internet trong thời kỳ hiện nay.
(Tham khảo sơ đồ mô tả cơ cấu và vùng địa lý của các tổ chức quản lý địa chỉ cấp khu vực trên toàn cầu với APNIC của châu Á Thái Bình Dương, RIPE NCC của châu Âu và Trung Đông, AFRINIC của châu Phi, ARIN của Bắc Mỹ, LACNIC của châu Mỹ Latinh và vùng vịnh Caribe).