- Tình hình triển khai IPv6 trên thế giới
Đứng trước tình hình cạn kiệt địa chỉ IPv4, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã đã có động thái tích cực triển khai ứng dụng địa chỉ IPv6 - giải pháp duy nhất cho phép tiếp nối không gián đoạn sự phát triển của Internet toàn cầu. Nhu cầu về nguồn tài nguyên IPv6 của thế giới bắt đầu tăng mạnh từ năm 2008. Tháng 6/2009, Diễn đàn IPv6 toàn cầu (IPv6 Forum) đã ban hành tiêu chuẩn ISP sẵn sàng với IPv6. Đầu năm 2010, tổ chức này công bố danh sách 38 ISP đạt tiêu chuẩn này trong đó Malaysia đứng đầu với 9 ISP, Hà Lan có 6, Mỹ và Trung Quốc mỗi nước có 4 ISP được công nhận.
Tháng 4/2010, Diễn đàn hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có trụ sở chính ở Pháp, đã hoàn thành bản báo cáo đánh giá triển khai IPv6 trên thế giới. Tính đến thời điểm báo cáo, trên bảng định tuyến toàn cầu đã xuất hiện 2500 khối IPv6 được quảng bá (chiếm 60% tổng số khối địa chỉ đã được phân bổ). Tuy vậy, lưu lượng Internet IPv6 vẫn chỉ chiếm một lỉ lệ rất khiêm tốn so với IPv4: 2500 tuyến IPv6 so với 313000 tuyến IPv4 (chiếm khoảng 0.8 %). Theo Tổ chức phát triển phần mềm triển khai IPv6 và cung cấp dịch vụ Tunnel Broker SixXS tại Hà Lan, tính đến tháng 6/2010, trên toàn thế giới đã có 154 Quốc gia / vùng lãnh thổ được tiếp cận với IPv6 với tổng số hơn 4100 khối địa chỉ IPv6 đã được phân bổ. Hiện tại, hầu hết các nước đã ban hành lộ trình triển khai IPv6 quốc gia. Một số nước đặt mốc thời gian hoàn thành sớm (Nhật Bản, Hàn Quốc), một số nước chậm hơn nhưng đều chia ba giai đoạn và khoảng thời gian triển khai trung bình thường là: Giai đoạn 1 (chuẩn bị) 2008-2009; Giai đoạn 2 (chuyển đổi) 2010-2011; Giai đoạn 3 (thuần thục) 2012-2013
- Tình hình triển khai IPv6 tại Việt Nam
Không ngoài xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã và đang có nhiều hành động tích cực thúc đẩy phát triển địa chỉ IPv6. Ngày 6/5/2008, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông đã ban hành chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6, đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình triển khai IPv6 ở Việt Nam. Đến ngày 06/01/2009, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-BTTTT thành lập Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia (IPv6 Task Force) do Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng làm Trưởng ban và các thành viên là lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành liên quan và các ISP chủ chốt của Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tổ chứcphiên họp lần thứ nhất nhằm đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động của Ban và đặc biệt là khởi động chương trình xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Đến nay đã có tổng cộng 28 khối địa chỉ IPv6 được cấp phát cho các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam
Tuy Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những động thái thúc đẩy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc triển khai địa chỉ IPv6 nhưng mức độ ứng dụng IPv6 trong hoạt động mạng tại Việt Nam còn thấp. Các ISP Việt Nam vẫn chưa thực sự bắt tay vào việc nghiên cứu, hoạch định và xây dựng kế hoạch sử dụng thế hệ địa chỉ IPv6. Tính đến tháng 6/2010, Việt Nam là Quốc gia đứng thứ 38 trên thế giới về số lượng vùng địa chỉ Ipv6 được cấp phát. Tuy nhiên, trên khía cạnh sử dụng thực tế sử dụng (tính theo số lượng vùng địa chỉ IPv6 được quảng bá định tuyến trên tổng số vùng địa chỉ được cấp) thì Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 90 (thống kê từ Tổ chức SixXS).