BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM - VNNIC

Sẵn sàng về tài nguyên Internet cho chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 và dịch vụ mạng thế hệ mới

Song hành cùng sự phát triển của các xu thế di động và công nghệ mới như IoT, big data, trí tuệ nhân tạo… IPv6 là nhân tố “thầm lặng” đảm bảo lượng không gian địa chỉ khổng lồ cho dịch vụ mạng thế hệ mới và đáp ứng các tiêu chuẩn trong kết nối Internet kỷ nguyên cách mạng Công nghiệp 4.0.

Kể từ thời điểm IPv4 chính thức cạn kiệt cách đây 06 năm, tỉ lệ ứng dụng triển khai IPv6 đã có sự tăng trưởng lớn trong hoạt động Internet toàn cầu. Mức tăng trưởng trong tỉ lệ chuyển đổi IPv6 thế giới đạt 3000% từ năm 2012 đến năm 2018 cho thấy chuyển đổi IPv6 không còn là một “trào lưu” mà là một xu thế tất yếu để tham gia hoạt động trên môi trường mạng. Nhưng câu chuyện không chỉ là giải bài toán cạn kiệt nguồn địa chỉ IPv4, việc ứng dụng triển khai IPv6 cần được thảo luận nhiều hơn nữa và cần được đánh giá đúng tầm quan trọng.

Hiện tại, thế giới có hơn 4 tỷ người sử dụng Internet (chiếm khoảng 53% dân số thế giới). Sự tích hợp Internet và viễn thông, sự bùng nổ thông tin di động và sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới như Internet of Things (IoT), Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn (Big Data) trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến số lượng các thiết bị kết nối Internet ngày càng cao. Chỉ có IPv6 với không gian địa chỉ khổng lồ mới có thể giúp tiếp nối hoạt động Internet. Bởi 100 ngàn tỷ thiết bị mới chỉ tiêu thụ 5% lượng không gian địa chỉ IPv6.

Ngoài việc đảm bảo số lượng tham số định danh thực cho mỗi thiết bị thì tính ưu việt trong liên kết các chuẩn kết nối, khả năng tự động cấu hình, khả năng tích hợp với các ứng dụng thông minh là lý do khiến IPv6 đóng vai trò quan trọng trong nền cách mạng Công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong quá trình phát triển IoT. Với thiết kế định tuyến đơn giản nhưng không bị giới hạn truy cập, khu vực, IPv6 vừa đảm bảo kết nối từ xa và tốc độ cao cho việc phát triển các thành phố thông minh trong tương lai, vừa tiết kiệm chi phí vận hành cho các các doanh nghiệp, nhà quản lý.

 

 

 

 

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, đại diện VNNIC trình bày tham luận “Vai trò của chuyển đổi IPv6 đối với dịch vụ mạng thế hệ mới và CMCN 4.0”

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam, ngày 27/9/2018, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỉ lệ ứng dụng triển khai IPv6 tốt trong khu vực và trên toàn cầu. Tính đến tháng 9/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 15% (nguồn APNIC) với 8.000.000 người dùng IPv6 (công bố bởi Cisco), đứng thứ 3 Khu vực ASEAN, thứ 5 khu vực Châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan). Mạng IPv6 quốc gia của Việt Nam trên nền tảng hệ thống mạng trung chuyển Internet VNIX và Hạ tầng DNS quốc gia được duy trì và phát triển ổn định đã phát huy thế mạnh cho các doanh nghiệp kết nối và triển khai cung cấp dịch vụ công nghệ cao.

Bên cạnh các kết quả ứng dụng triển khai thực tễ về IPv6, trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, song hành với địa chỉ IP, tài nguyên tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” cũng đạt bước cải tiến lớn trong công tác cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền cũng như quản lý hồ sơ khi Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức triển khai việc đăng ký sử dụng tên miền “.vn” thông qua hồ sơ điện tử. Tại sự kiện trên, đại diện VNNIC cho biết, với việc đăng ký tên miền qua hồ sơ điện tử, thay vì phải nộp hồ sơ bản cứng và thực hiện đăng ký trực tiếp tại Nhà đăng ký hoặc gửi hồ sơ đăng ký tên miền qua đường bưu chính, chủ thể tên miền có thể thực hiện thủ tục đăng ký trực tuyến, kích hoạt đăng ký tên miền nhanh chóng sau khi hoàn tất bản khai đăng ký và đảm bảo được tính xác thực của thông tin tên miền.

 

 

 

 

 

 

 

VNNIC quảng bá dịch vụ đăng ký tên miền quốc gia .VN qua hồ sơ điện tử tới người sử dụng

Tính đến ngày 27/9/2018 đã có 02 Nhà đăng ký tiến hành thử nghiệm việc tiếp nhận đăng ký tên miền quốc gia “.VN” qua hồ sơ điện tử (NĐK Mắt Bão, NĐK iNET). Trong đó, NĐK Mắt Bão đã cung cấp dịch vụ hồ sơ điện tử cho các chủ thể là cá nhân, NĐK iNET đã sẵn sàng tiếp nhận đăng ký cho cả tổ chức và cá nhân. Tiếp sau 02 NĐK trên, các NĐK khác như PA Việt Nam, Nhân Hòa… cũng đang nhanh chóng xúc tiến chuẩn bị triển khai phương thức tiếp nhận hồ sơ này.