Thực hiện Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 được ban hành theo Quyết định số 936/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 19/10/2016 đến ngày 26/10/2016, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã có buổi làm việc với sáu đơn vị tiêu biểu (bao gồm: Tập đoàn VNPT, tập đoàn Viettel, Tổng công ty Mobifone, FPT Telecom, báo VNExpress, Cục Bưu điện Trung ương) trong công tác triển khai IPv6. Tham dự Đoàn Công tác có Ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Trưởng ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia, đại diện của Thường trực Ban Công tác – Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ CNTT, Vụ KHCN, Trung tâm Thông tin) và một số cơ quan báo chí.
Năm 2016 là năm bắt đầu Giai đoạn 3 – Giai đoạn Chuyển đổi trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Với mục tiêu cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, việc nắm bắt hiện trạng triển khai IPv6 tại đơn vị, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
Kết quả làm việc với các đơn vị như sau:
Tổng công ty Mobifone: Theo báo cáo của đại diện Mobifone, Mobifone đã hoàn thành thử nghiệm tính cước cho thuê bao sử dụng IPv6 trong mạng nội bộ. Mobifone đang trong quá trình xây dựng phương án triển khai thử nghiệm IPv6 cho mạng 4G và tiếp tục hoàn thiện việc triển khai, dán nhãn IPv6 ready logo cho website Mobifone Portal vào cuối năm 2016. Sau thử nghiệm IPv6 thành công cho mạng 4G, Mobifone sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi và triển khai chính thức trong năm 2017.
Buổi làm việc giữa Ban công tác và Tổng công ty Mobifone (20/10/2016)
Tập đoàn VNPT: VNPT đã triển khai quy hoạch IPv6 cho các dịch vụ cố định, di động, IDC. So với chương trình làm việc năm 2015 đã có những bước tiến triển, tuy nhiên kết quả triển khai IPv6 đến người dùng còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai IPv6 cho mạng nội bộ và mục tiêu triển khai IPv6 cho toàn bộ khách hàng băng rộng cố định vào năm 2017 và cung cấp dịch vụ IPv6 cho mạng 4G LTE.
Buổi làm việc giữa Ban công tác và Tập đoàn VNPT (19/10/2016)
Tập đoàn Viettel: Theo báo cáo của Viettel, hiện Tập đoàn Viettel đã sẵn sàng về hạ tầng hỗ trợ IPv6. Viettel đã có những công tác chuẩn bị, đào tạo nhân sự, đầu tư hạ tầng mạng lưới sẵn sàng IPv6, đã triển khai thử nghiệm IPv6 cho dịch vụ 4G tại Vũng Tàu, hiện tại đang mở rộng triển khai IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Buổi làm việc giữa Ban công tác và Tập đoàn Viettel (26/10/2016)
Buổi làm việc có sự tham dự của Thứ trưởng Phan Tâm.
FPT Telecom: FPT Telecom là doanh nghiệp dẫn đầu trong công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam và xếp thứ 47 trên thế giới. FPT Telecom cũng đã cung cấp IPv6 đến gần 600.000 hộ gia đình, đến thời điểm hiện tại 100% các website của FPT Telecom đã hoàn toàn chạy trên IPv6. Nếu thuận lợi, FPT Telecom có thể mở rộng và triển khai IPv6 cho gần 1 triệu thuê bao FTTH hộ gia đình vào cuối năm 2016. Đây là đơn vị tiêu biểu, đóng góp đáng kể cho kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
FPT Telecom được xếp thứ 47 trên thế giới trong công tác triển khai IPv6
Báo VnExpress: Ban công tác đánh giá cao những bước tiến rõ ràng mà FPT Online - Đơn vị chủ quản của Báo VnExpress đạt được khi chủ động triển khai IPv6 cho một số website của mình. Trước nhu cầu truy cập IPv6 đang tăng trưởng rõ rệt, đặc biệt là truy cập 4G bằng thiết bị dị động, FPT Online sẽ rút ngắn kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho các website của mình sớm hơn 1 – 1,5 năm, đặc biệt là hỗ trợ IPv6 đối với các dịch vụ nội dung gia tăng.
Buổi làm việc giữa Ban công tác và FPT Online (VnExpress) (21/10/2016)
Cục Bưu điện Trung ương (BĐTW): Ban công tác đã ghi nhận những cố gắng của Cục BDTW như triển khai IPv6 cho Bộ TT&TT và công tác triển khai thử nghiệm một số dịch vụ IPv6 trên mạng của Văn phòng Trung ương Đảng. Cuối năm 2016, Cục BDTW sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Thông tin của Văn phòng Quốc hội triển khai IPv6 cho mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của Văn phòng Quốc hội. Trong thời gian tới, Cục BDTW sẽ đẩy mạnh triển khai ứng dụng IPv6 trong nội bộ Cục, tăng cường truyền thông và triển khai IPv6 đối với mạng TSLCD của cơ quan Đảng và Nhà nước, trong đó, mục tiêu tiếp theo sau Văn phòng Quốc hội là Văn phòng Chính phủ.
Qua báo cáo, Cục BDTW đã triển khai thử nghiệm IPv6 trên mạng diện rộng của VPTW Đảng và VP Chính phủ (28/10/2016)
Kết luận tại các buổi làm việc, Ban Công tác đều khẳng định những khởi sắc của Việt Nam trong công tác triển khai IPv6, tiêu biểu là FPT Telecom. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phan Tâm và Thường trực Ban Công tác đã đề nghị các đơn vị nêu gương FPT Telecom, tiếp tục công tác triển khai mạnh mẻ hơn nữa để cung cấp IPv6 cho người sử dụng; một số điểm cần chú trọng hơn trong thời gian tới bao gồm: Triển khai ứng dụng IPv6 trong mạng nội bộ; Triển khai gán nhãn hỗ trợ IPv6 cho Website; Triển khai dịch vụ IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định, khách hàng di động 4G; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về IPv6 liên quan đến các dịch vụ của đơn vị và công bố thông tin lên Website Vietnam IPv6 Ready.