BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM - VNNIC

Trung tâm Internet Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban thành viên địa chỉ 2017 (24/08/2017)

Ngày 24/8/2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức Hội nghị Giao ban thành viên địa chỉ năm 2017, qua hệ thống tele-conference tại hai đầu TP Hà Nội và Đà Nẵng với sự tham gia của đại diện của các thành viên địa chỉ tại Việt Nam. Năm nay, Hội nghị có sự tham gia của Đại diện của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) tạo cơ hội trao đổi giữa thành viên địa chỉ tại Việt Nam với các chuyên gia quốc tế và VNNIC.

Để tăng cường công tác quản lý địa chỉ IP/Số hiệu mạng một cách hiệu quả triển khai chính sách mới cũng như thúc đẩy IPv6, nội dung Hội nghị Giao ban thành viên 2017 tập trung về 3 phần nội dung chính: Phổ biến quy định, chính sách mới trong công tác quản lý địa chỉ IP/ASN; Thúc đẩy triển khai thế hệ địa chỉ IPv6 tại Việt Nam và các vấn đề trong đăng ký, sử dụng IP/ASN một cách an toàn và hiệu quả.

Đối với vấn đề triển khai IPv6, Hội nghị đã được cập nhật hiện trạng mới nhất đối với kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam do đại diện đến từ VNNIC và APNIC cùng chia sẻ. Mặc dù, chuyển nhượng IPv4 vẫn duy trì trong khu vực; Việt Nam cũng hỗ trợ nhận tài nguyên IPv4 về Việt Nam, tuy nhiên số lượng địa chỉ chuyển nhượng của khu vực ngày càng giảm. Xu hướng hiện tại là công tác chuyển đổi IPv6 vời nhiều doanh nghiệp tham gia với tốc độ tăng trưởng gấp 2-5 lần/năm.

Trong năm 2017, chỉ số triển khai IPv6 tiếp tục tăng trưởng tốt trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, Ấn Độ là quốc gia có tốc độ và chỉ số triển khai IPv6 mạnh nhất khu vực, tỉ lệ triển khai IPv6 khoảng 50%, các nhà mạng lớn, đặc biệt là mảng di động 4G LTE đang chạy IPv6. Tại Việt Nam, chỉ số triển khai IPv6 khoảng 10% với 3.800.000 người dùng IPv6, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có chỉ số triển khai IPv6 tốt trong khu vực.

Đối với công tác đăng ký, sử dụng địa chỉ IP/ASN, Hội nghị cũng đã được nắm bắt những nội dung cốt lõi trong việc sử dụng tài nguyên. Thành viên địa chỉ cần duy trì thông tin dữ liệu chính xác, khai báo bản ghi định tuyến, khai báo tên miền ngược … để đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác trên hệ thống Internet; thực hiện xử lý các vấn đề phát sinh trong phạm vi tài nguyên số được cấp.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận từ các thành viên địa chỉ. Một số thành viên địa chỉ chưa có cái nhìn đúng trong công tác triển khai IPv6. Tuy nhiên, công tác triển khai IPv6 đang bùng nổ và là xu hướng bùng phát để đảm bảo kết nối Internet trong tương lai.

Kết thúc chương trình, Ông Nguyễn Hồng Thắng – Phó Giám đốc VNNIC chủ trì Hội nghị cũng đã kết luận: Mọi thành viên địa chỉ cần đăng ký địa chỉ IPv6 để nghiên cứu, lập kế hoạch chuyển đổi, bắt kịp với hiện trạng triển khai IPv6 của Việt Nam cũng như toàn cầu; Trường hợp sáp nhập hợp nhất doanh nghiệp cần liên hệ VNNIC để hỗ trợ sáp nhập hợp nhất thành viên; Thành viên sau khi đăng ký IP/ASN độc lập nên kết nối đa hướng, khai báo tên miền ngược ..., đảm bảo thông tin dữ liệu chính xác, từ đó, đảm bảo công tác sử dụng tài nguyên địa chỉ Internet an toàn và hiệu quả.