Trước sự phát triển của Internet với nhiều dịch vụ Internet mới như IoT, Smart City, 5G trong cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề về nguồn tài nguyên địa chỉ để bảo đảm kết nối Internet đang là thách thức lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước. Từ năm 2011, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chính thức bước sang giai đoạn cạn kiệt IPv4 và triển khai chính sách cấp phát hạn chế. Tháng 2/2019, vấn đề cạn kiệt IPv4 được đẩy lên mức độ cao hơn khi Tổ chức quản lý địa chỉ số khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) điều chỉnh cắt giảm ½ tiêu chuẩn cấp phát IPv4 so với trước đây, vùng địa chỉ IPv4 được cấp nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 trong khu vực.
INTERNET PHÁT TRIỂN VỚI NHIỀU DỊCH VỤ MỚI VÀ NHU CẦU SỬ DỤNG ĐỊA CHỈ INTERNET TIẾP TỤC TĂNG
Cùng với sự phát triển của các dịch vụ Internet mới như Internet vạn vật (Internet of Things – IoT), thành phố thông minh (Smart City) và 4G LTE, 5G dẫn đến nhu cầu sử dụng tài nguyên Internet tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu. Internet toàn cầu đang phát triển mạnh mẻ về số lượng người dụng Internet cũng như các dịch vụ yêu cầu tài nguyên địa chỉ. Theo thống kê của Digital 2019, toàn cầu đã có trên 7,6 tỷ người, trong đó có hơn 5,1 tỷ thiết bị di động, 4,4 tỷ người dùng Internet chiếm 57% dân số toàn cầu. Việc phát triển người dùng Internet, tăng trưởng thiết bị di động và các ứng dụng kết nối Internet đòi hỏi tài nguyên địa chỉ IP.
Dữ liệu số trên toàn cầu năm 2019 (Nguồn:Digital 2019) |
Dữ liệu số tại Việt Nam năm 2019 (Nguồn:Digital 2019) |
Về sự phát triển của IoT, theo thống kê của IoT Ananlyst, số lượng thiết bị IoT đã kết nối Internet đạt 7 tỷ thiết bị năm trong năm 2018, dự báo toàn cầu sẽ có trên 20 tỷ thiết bị có kết nối Internet vào năm 2025. Trước sự phát triển của IoT, người dùng Internet và các ứng dụng yêu cầu tài nguyên IP để kết nối đã báo hiệu về những biến động về nhu cầu đăng ký, sử dụng các thế hệ địa chỉ Internet. Bởi lẽ, không gian thế hệ địa chỉ thứ 4 (IPv4) chỉ có 4,3 tỷ địa chỉ, trong khi nhu cầu toàn cầu để đảm báo phát triển Internet là hàng chục tỷ địa chỉ. Con số 20 tỷ thiết bị IoT vào năm 2025 chỉ là một con số bước đầu cho sự phát triển Internet trong 5 năm tới. Chặng đường đi của Internet toàn cầu sẽ không dừng lại ở con số 20 tỷ thiết bị IoT mà là mỗi thiết bị, mỗi vật dụng, mỗi đồ vật... đều có thể kết nối với nhau và phát triển, hoàn thiện thành phố thông minh. Trong khi đó, chỉ tính riêng số lượng 7 tỷ thiết bị IoT trong năm 2018 thì toàn bộ vùng địa chỉ IPv4 với 4,3 tỷ IP đã không thể đáp ứng được nhu cầu kết nối.
MỨC ĐỘ CẠN KIỆT ĐỊA CHỈ IPv4 ĐẠT MỘT MỨC ĐỘ MỚI
Ngày 28/02/2019, sau khi đạt được đồng thuận tại kỳ họp thành viên lần thứ 47 của APNIC (APNIC 47) được tổ chức tại Hàn Quốc, APNIC thông báo chính thức áp dụng chính sách cấp phát hạn chế mới đối với việc đăng ký IPv4. Theo đó, mỗi tổ chức chỉ được xét cấp tối đa 512 địa chỉ IP (chỉ bằng ½ so với trước đây), các cơ hội chờ để xét cấp bổ sung IPv4 từ khối non-103/8 đều bị xóa bỏ. Lý do chính sách đạt được đồng thuận nhanh chóng là cộng đồng Internet khu vực APNIC khẳng định IPv4 không còn là câu chuyện mới mẻ mà cần phải tập trung nhiều hơn nguồn lực để sử dụng thế hệ địa chỉ IPv6. Vùng địa chỉ IPv4 được xét cấp từ khối /8 cuối cùng với mục đích hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6.
Theo dự báo, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cơ hội để đăng ký địa chỉ IPv4 độc lập sẽ kéo dài đến năm 2021. Tốc độ này có thể nhanh hơn phụ thuộc vào phát triển doanh nghiệp, dịch vụ Internet mới ở các nước trong khu vực. Nhằm đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, đảm báo tính dự phòng và phát triển mạng độc lập có kết nối đa hướng, các tổ chức, doanh nghiệp cần sớm triển khai đăng ký IPv4 độc lập trước khi vùng địa chỉ của khu vực hoàn toàn cạn kiệt. Đặc biệt là các tổ chức, cơ quan nhà nước và khối đơn vị có hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin dùng riêng.
IPv6 - GIẢI PHÁP TÀI NGUYÊN CHO PHÁT TRIỂN INTERNET - TĂNG TRƯỞNG ỨNG DỤNG IPv6 TOÀN CẦU
Từ những ngày đầu triển khai IPv6, tỷ lệ sử dụng, quảng bá IPv6 tăng trưởng liên tục trong hơn 20 năm qua. Nhiều quốc gia có bước tăng trưởng đột phát toàn cầu như bên cạnh Ấn Độ, Hoa Kỳ là các quốc gia mới nổi như Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan... đã đạt tỉ lệ ứng dụng IPv6 tăng trưởng tốt, được ghi nhận
Tính đến tháng tháng 4/2019, tỷ lệ truy cập Internet qua IPv6 toàn cầu đạt khoảng 26%, tăng trưởng trung bình 200% một năm. Tại nhiều quốc gia, tỷ lệ ứng dụng IPv6 đạt trên 50% như Bỉ, Ấn Độ, Hoa Kỳ. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất toàn cầu (Google, Youtube, Facebook,...) đã chuyển đổi sử dụng IPv6. Dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ IPv6 toàn cầu đạt xấp xỉ 50%, đây cũng là thời điểm IPv4 dần ngừng hoạt động trên Internet toàn cầu.
XU THẾ SỬ DỤNG ĐỊA CHỈ INTERNET IPv6 VỚI CÔNG NGHỆ IPv6-ONLY
Trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp ISP, di động, nội dung lớn trên thế giới đã đồng loạt triển khai IPv6. Bắt đầu từ năm 2011, các doanh nghiệp nội dung lớn đã chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ hoạt động với IPv6 như: Google, Facebook, Youtube, Microsoft, Instagram, CNN,... Với dịch vụ di động, IoT, IPv6 đã trở thành giao thức mặc định trong triển khai 4G LTE, 5G, IoT. Tỷ lệ IPv6 của các nhà mạng di động lớn tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan... đạt mức rất cao, tiêu biểu: T-Mobile - 93,36%; Reliance Jio - 90,16%; British Sky - 87,75%; Verizon Wireless - 86,05%; Sprint Wireless - 77.99%, Chunghwa Telecom - 74,86% ... Cũng trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch để tắt dần hệ thống mạng IPv4 để chuyển sang sử dụng mạng thuần IPv6. IPv6-only dự kiến sẽ là xu thế chiếm ưu thế trên bản đồ kết nối Internet trong thời gian tới, dần dần thay thế công nghệ dual-stack.
Nguồn tham khảo:
[1] ISOC Report 2018
[2] www.apnic.net
[4] www.circleid.com
[5] www.gartner.com