BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM - VNNIC

Câu hỏi thường gặp

Các câu hỏi thường gặp với tranh chấp tên miền:

Câu 1: Khi xảy ra tranh chấp tên miền, DN cần chuẩn bị những gì? Các bước đàm phán như thế nào để lấy lại tên miền

Câu 2: Một tên miền “.vn” đã được Công ty chúng tôi đăng ký và sử dụng từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, khi đến hạn nộp phí duy trì tên miền, do Công ty không nhớ hạn nộp phí duy trì tên miền dẫn đến việc có một chủ thể khác đăng ký sử dụng tên miền này. Vậy, Công ty chúng tôi phải làm gì trong trường hợp này, VNNIC có thể giúp Công ty tôi đòi lại tên miền được không?

Câu 3: Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến tên miền “.vn” liên quan tới thương hiệu, sản phẩm của tôi bị người khác đăng ký sử dụng, tôi phải làm thế nào?

Câu 4: Tòa án tỉnh C đang thụ lý giải quyết vụ tranh chấp liên quan đến một tên miền dạng congty.vn, để Tòa án tỉnh C có đử căn cứ để xem xét giải quyết vụ kiện này thì VNNIC có thể cung cấp quyền kiểm soát nội dung trong các thư điện tử được gửi và nhận từ địa chỉ email dưới đuôi tên miền ... @congty.vn cho Tòa án tỉnh C hay không?

Câu 5: Tôi nhờ Công ty A đăng ký tên miền  để cho tôi sử dụng (tên miền đã được sử dụng 2 năm, do Công ty A làm chủ thể). Bây giờ Công ty A đã phá sản và tôi không thể liên hệ được với Công ty A, tên miền của tôi đến 16/8/2012 là tên miền bị hết hạn, VNNIC có thể thu hồi tên miền này vào ngày 16/8 để tôi có thể đăng ký lại tên miền luôn được không?

Câu 6: Làm thế nào để tôi  ngăn chặn và bảo vệ được công việc kinh doanh, thương hiệu, sản phẩm khỏi bị người khác gây khó khăn?

Câu 7: Kinh nghiệm, hướng đi của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài bị tranh chấp tên miền (như là đăng ký tên miền quốc gia…)?

Câu 1: Khi xảy ra tranh chấp tên miền, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì? Các bước đàm phán như thế nào để lấy lại tên miền?

Trả lời:

1. Đối với tên miền .VN:

Căn cứ Điều 76 - Luật Công nghệ Thông tin số; Điều 16 - Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; đã quy định cụ thể về các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" như sau: 1.Thông qua thương lượng, hòa giải,  2. Thông qua Trọng tài, 3. Khởi kiện tại Tòa án.Thật ra, các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền .VN cũng theo thông lệ chung về giải quyết tranh chấp tên miền trên Thế giới.

2. Đối với tên miền quốc tế:

Tổ chức quản lý Tên miền và Số hiệu mạng thế giới (ICANN), phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đã tiến hành nghiên cứu và ban hành “Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất” (Uniform Domain-name Dispute-Resolution Policy) - UDRP, chi tiết tham khảo tại http://www.icann.org/udrp/udrp.htm; UDRP được điều chỉnh bằng phương thức hoà giải (Alternative Dispute Resolution – ADR) và trọng tài (Arbitration), dựa trên các quy định về trọng tài thương mại. Có thể tham khảo thêm về khuyến nghị của ICANN về giải quyết tranh chấp tên miền tại website VNNIC và http://www.icann.org/udrp/udrp-policy-24oct99.htm.

Về đầu trang

Câu 2: Một tên miền “.vn” đã được Công ty chúng tôi đăng ký và sử dụng từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, khi đến hạn nộp phí duy trì tên miền, do Công ty không nhớ hạn nộp phí duy trì tên miền dẫn đến việc có một chủ thể khác đăng ký sử dụng tên miền này. Vậy, Công ty chúng tôi phải làm gì trong trường hợp này, VNNIC có thể giúp Công ty tôi đòi lại tên miền được không?

Trả lời: Theo quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet hiện hành, nguyên tắc đăng ký và sử dụng tên miền ".vn" là "đăng ký trước, được quyền sử dụng trước". Do vậy, khi tên miền ở trạng thái tự do, chưa có chủ thể nào đăng ký thì việc đăng ký sử dụng tên miền của chủ thể mới là tuân thủ đúng theo trình tự thủ tục quy định hiện hành. Đây là vấn đề tranh chấp tên miền giữa Công ty bạn và chủ thể mới nên việc giải quyết tranh chấp phải được thực hiện theo một trong ba hình thức quy định tại Luật Công nghệ thông tin - Điều 76 (bao gồm: 1/ Thông qua thương lượng, hòa giải; 2/Thông qua trọng tài; 3/ Khởi kiện tại Tòa án) và quy định tại Điều 16 về xử lý tranh chấp tên miền - Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Theo đó, để giải quyết vụ việc tranh chấp tên miền, trước hết Công ty bạn phải liên hệ với chủ thể mới để tự thương lượng, hòa giải. Nếu các bên không thực hiện được các thủ tục tự thương lượng, hòa giải thì cần thực hiện theo các hình thức thông qua trọng tài hoặc khởi kiện tại tòa án.

VNNIC là cơ quan quản lý về tài nguyên Internet, không xử lý các vấn đề tranh chấp giữa các bên và không có quyền can thiệp ngăn cản sự hoạt động của tên miền khi chưa có kết luận cuối cùng của việc giải quyết tranh chấp. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến tên miền nói trên chỉ được thực hiện khi có kết quả cuối cùng của quá trình giải quyết tranh chấp (biên bản hòa giải thành giữa các bên, quyết định đã có hiệu lực của trọng tài; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án).

Về đầu trang

Câu 3: Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến tên miền “.vn” liên quan tới thương hiệu, sản phẩm của tôi bị người khác đăng ký sử dụng, tôi phải làm thế nào?

Trả lời:  Luật Công nghệ Thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội đã quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” như sau: 1. Thông qua thương lượng, hòa giải, 2. Thông qua Trọng tài, 3. Khởi kiện tại Tòa án.

Các căn cứ, hình thức giải quyết tranh chấp tên miền cũng được quy định chi tiết tại Điều 16 - Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Theo quy định, VNNIC không có thẩm quyền giải quyết các trường hợp phát sinh tranh chấp tên miền. Các bên liên quan phải thống nhất để lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền.

Tuy nhiên xin lưu ý rằng: Như thông lệ chung quốc tế, việc đăng ký sử dụng tên miền được thực hiện theo nguyên tắc "Bình đẳng, không phân biệt đối xử" và "Đăng ký trước được quyền sử dụng trước". Do vậy nếu đăng ký sau, trước hết bạn nên đăng ký một tên khác tương tự mà vẫn bảo toàn được yêu cầu của mình bằng cách thêm chữ gợi nhớ, thêm dấu gạch ngang (-) hoặc đăng ký dưới tên một nhóm khác vì không gian tên miền còn có nhiều lựa chọn để tránh xung đột trên mạng. Ví dụ : thanglong.com.vn có thể thêm là thang-long.com.vn hoặc thanglong.biz.vn hay cty-thanglong.com.vn v.v..

Về đầu trang

Câu 4: Tòa án tỉnh C đang thụ lý giải quyết vụ tranh chấp liên quan đến một tên miền dạng congty.vn, để Tòa án tỉnh C có đử căn cứ để xem xét giải quyết vụ kiện này thì VNNIC có thể cung cấp quyền kiểm soát nội dung trong các thư điện tử được gửi và nhận từ địa chỉ email dưới đuôi tên miền ... @congty.vn cho Tòa án tỉnh C hay không?

Trả lời: Theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet: “Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng và tính chính xác của các thông tin cung cấp, đảm bảo việc đăng ký, sử dụng tên miền đúng quy định, không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác”.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Trung tâm Internet Việt Nam chỉ thực hiện việc quản lý, giám sát việc cấp chứng nhận đăng ký sử dụng tên miền “.vn”, không có thẩm quyền xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung thông tin hay phát sinh về dịch vụ trong quá trình sử dụng tên miền. Quyền kiểm soát và giám sát nội dung trong các thư điện tử được gửi và nhận từ địa chỉ email ....@toyotavn.com.vn không thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của VNNIC.  Điều này căn cứ theo nhu cầu sử dụng thực tế, mỗi chủ thể đăng ký sử dụng tên miền có mục đích sử dụng khác nhau và truyền tải các nội dung khác nhau trên các dịch vụ sử dụng. Tên miền chỉ là công cụ để sử dụng các dịch vụ trên Internet (Web, Email, FTP, …) và Tòa án tỉnh C phải liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ để được giải quyết về việc này.

Về đầu tran

Câu 5: Tôi nhờ Công ty A đăng ký tên miền  để cho tôi sử dụng (tên miền đã được sử dụng 2 năm, do Công ty A làm chủ thể). Bây giờ Công ty A đã phá sản và tôi không thể liên hệ được với Công ty A, tên miền của tôi đến 16/8/2012 là tên miền bị hết hạn, VNNIC có thể thu hồi tên miền này vào ngày 16/8 để tôi có thể đăng ký lại tên miền luôn được không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet: “Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tên miền đăng ký theo đúng quy định của pháp luật về tài nguyên Internet”. Khi không còn nhu cầu sử dụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản đề nghị trả lại tên miền cho Nhà đăng ký tên miền “.vn” có liên quan.

Việc tạm ngừng, thu hồi tên miền do không đóng phí, hay thu hồi tên miền do không còn nhu cầu sử dụng sẽ được thực hiện tự động trên hệ thống DNS quốc gia theo thời hạn đã quy định tại Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông. VNNIC không can thiệp để thực hiện việc thu hồi tên miền như bạn đề cập (vì hiện tại, chủ thể đăng ký tên miền là Công ty A) ngay vào ngày hết hạn như theo đề nghị của bạn được. Như vậy, sau 35 ngày kể từ ngày tên miền này hết hạn sử dụng, nếu chủ thể tên miền không nộp phí duy trì tiếp, tên miền này sẽ tự động thu hồi. Căn cứ các quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet hiện hành, bạn phải hoàn toàn chủ động theo dõi việc này và thực hiện thủ tục đăng ký trong trường hợp tên miền không nộp phí duy trì tiếp và đã thu hồi trên hệ thống dữ liệu tên miền quốc gia.

Về đầu trang

Câu 6: Làm thế nào để tôi  ngăn chặn và bảo vệ được công việc kinh doanh, thương hiệu, sản phẩm khỏi bị người khác gây khó khăn?

Trả lời:
1. Thời gian : Nguyên tắc chung khi đăng ký tên miền là đăng ký trước được quyền sử dụng trước, nên khi bạn có ý tưởng đưa ra một sản phẩm nào hay đăng ký một thương hiệu nào là phải nghĩ ngay tới việc đăng ký tên miền liên quan, đừng để tới khi bạn chuẩn bị xong xuôi rồi mới đăng ký tên miền, lúc đó có thể bạn đã không còn tên miền đó nữa.

2. Ðăng ký nhiều tên miền theo kiểu "bao vây" để không ai có thể đăng ký tên miền giống của bạn cả cách viết lẫn cách đọc. Ví dụ : Trường hợp của Ngân hàng Hamburgische Landesbank đăng ký liền 7 tên miền tại cùng thời điểm:

hsh-nord-bank.com.vn
hsh-nordbank-ag.com.vn
hsh-nordbank.com.vn
hsh-northbank.com.vn
hshnordbank.com.vn
hshnordbankag.com.vn
hshnorthbank.com.vn

Rất nhiều công ty nước ngoài họ đã dùng theo biện pháp này, vì nếu có tranh chấp kiện tụng về 1 tên miền thì chi phí cho việc này ít nhất là 2500$US đủ để đăng ký và duy trì nó 70 năm trên Internet cộng thêm sự phiền toái bực mình, nên tốt nhất là họ giữ trước để không ai xâm phạm được.

Về đầu trang

Câu 7: Kinh nghiệm, hướng đi của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài bị tranh chấp tên miền (như là đăng ký tên miền quốc gia…)?

Trả lời: Các tập đoàn, công ty lớn thường phải bỏ một lượng kinh phí rất lớn để duy trì một đơn vị pháp lý thường xuyên theo dõi, đăng ký bao vây hoặc xử lý tranh chấp tên miền liên quan đến thương hiệu của mình thông qua trọng tài do ICANN chỉ định (WIPO…) và thủ tục trọng tài cũng mất thời gian và khá tốn kém. Và hầu hết các tổ chức nước ngoài họ thường có kinh nghiệm và nhận thức cao về tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu trên Internet nên những TMQT phần lớn đều đã được họ đăng ký giữ chỗ. Việc bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký các tên miền liên quan là việc cần thiết nhưng đối với tên miền quốc tế thì không phải lúc nào cũng khả thi và thường là rất tốn kém do số lượng đuôi tên miền dùng chung hiện tại là khá lớn, chưa kể tới đây ICANN sẽ tiếp tục mở rộng số lượng các đuôi tên miền dùng chung này (ví dụ, cuối tháng 12năm 2011, tên miền quốc tế dùng chung có đuôi là .xxx cũng đã chính thức được ICANN  mở ra).

VD: Để bảo vệ thương hiệu của mình, những tập đoàn lớn như Wal-mart đã tiếp cận đăng ký hàng chục  tên miền bao vây thương hiệu Walmart của họ dưới tất cả các đuôi tên miền .VN ngay từ khi tên miền này được cấp phát rộng rãi, và thường xuyên duy trì trong suốt thời gian vừa qua, mặc dù cho tới thời điểm hiện tại, Walmart vẫn chưa chính thức có mặt trên thị trường Việt Nam. Với tất cả các đuôi tên miền khác họ cũng sẽ phải thực hiện tương tự như vậy và trên nhiều quốc gia, với các mã quốc gia khác nhau.

Tuy vậy, đây thực sự không phải là sự lựa chọn khả thi của phần lớn thương hiệu trong nước, trong khi số lượng tên miền quốc tế là trên 70 triệu thì cơ hội đăng ký và sử dụng tên miền quốc tế càng trở nên khó khăn; nhất là khi các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta luôn đi sau một bước về xu thế, định hướng, kinh tế… so với các quốc gia phát triển.

Mới đây nhất là trường hợp bị mất tên miền .VN:  Công ty Samsung Electronics là một Công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện thoại di động, trong đó có sản phẩm điện thoại di động Samsung. Tên Samsung vừa là tên thương mại vừa là tên nhãn hiệu của nguyên đơn, được sử dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, Công ty Samsung cũng sử dụng tên miền quốc tế samsung.com. Tuy nhiên, các tên miền .VN chưa được Công ty Samsung thực sự lưu ý để đăng ký sử dụng. Sau đó, khi phát hiện ra có các chủ thế khác đăng ký tên miền liên quan đến nhãn hiệu Samsung như: samsungmobile.com.vn, samsungmobile.vn, … thì Công ty Samsung đã gửi đơn kiện đến Tòa án NDTP Hà Nội và sau đó Công ty Samsung phải mất hơn một năm để theo kiện, đòi lại tên miền samsungmobile.com.vn. Thông tin chi tiết về vụ việc này, tham khảo tại địa chỉ: http://vnnic.vn/tranhchaptenmien.

Về đầu trang